Các biến chứng của suy dinh dưỡng nặng mà chúng ta nên biết

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng ThS. Hùng Lê – Tốt nghiệp Thạc sỹ Dinh dưỡng tại Đại học Y Hà Nội, hiện là Giảng viên, CEO & Co-Founder Công ty CP công nghệ trí tuệ nhân tạo VNA (chủ quản của công ty TNHH dịch vụ y tế VnaMedical VnaMedical.com)

Suy dinh dưỡng nặng đã và đang là một vấn đề nghiêm trọng được cả xã hội quan tâm. Bởi nó ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của một thế hệ. Các biến chứng của suy dinh dưỡng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sự phát triển, thậm chí là tính mạng của trẻ em.

  1. Tình trạng suy dinh dưỡng nặng

Suy dinh dưỡng nặng là tình trạng trẻ em chậm phát triển do thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng, protein và năng lượng cần thiết cho cơ thể. Độ tuổi có nguy cơ bị suy dinh dưỡng là từ 6 tháng tuổi đến 2 tuổi. Tình trạng trên ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của chiều cao, cân nặng, chức năng các bộ phận của cơ thể.

Suy dinh dưỡng gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ

  1. Biểu hiện của suy dinh dưỡng nặng

Trẻ bị suy dinh dưỡng nặng sẽ xuất hiện các biểu hiện như:

2.1. Suy dinh dưỡng thể phù (kwashiorkor)

Trẻ bị suy dinh dưỡng thể phù sẽ bị sụt cân nghiêm trọng mặc dù cơ thể bị phù. Trên da có những sắc tố màu nâu dễ bị loét và nhiễm trùng. Các bé suy dinh dưỡng nặng thể phù thường xuyên quấy khóc, biếng ăn, đi ngoài phân sống hoặc lỏng. Trẻ không thích thú tham gia các hoạt động vui chơi.

Trẻ suy dinh dưỡng thể phù, nhiều người nhầm lẫn với thừa cân béo phì

2.2. Suy dinh dưỡng thể gầy đét (marasmus)

Trẻ suy dinh dưỡng thể gầy đét này có hình dáng gầy gò, mặt mũi già nua, nhăn nheo. Thường xuyên xuất hiện tình trạng tiêu chảy, ăn kém, tinh thần mệt mỏi, suy nhược,…

Trẻ bị suy dinh dưỡng thể gầy đét thường bị suy nhược nghiêm trọng

2.3. Thể phối hợp (marasmus – kwashiorkor)

Trạng thái cơ thể của suy dinh dưỡng thể phối hợp là kết hợp giữa thể phù và thể gầy đét, tức là trẻ có cơ thể gầy gò nhưng lại bị phù nặng. Các bé sẽ có triệu chứng kém ăn và rối loạn tiêu hóa.

  1. Các biến chứng nguy hiểm của suy dinh dưỡng nặng

Dưới đây là các biến chứng mà trẻ có thể gặp phải khi bị suy dinh dưỡng nặng:

– Tăng trưởng chậm biểu hiện là chiều cao thấp

– Sa sút trí nhớ, kém tập trung do thiếu các vi chất dinh dưỡng.

– Hệ miễn dịch suy giảm tạo điều kiện cho các bệnh nhiễm trùng xâm nhập như: lao, viêm đường hô hấp. Đồng thời xuất hiện các bệnh lý như: teo tuyến ức, hạnh nhân, lách và các tổ chức lympho bào khác.

– Chức năng gan bị thoái hóa

– Các tế bào tuyến tụy và niêm mạc bị teo, tổn thương nhung mao gần như hoàn toàn, giảm hấp thụ dinh dưỡng do men tiêu hóa giảm.

– Suy dinh dưỡng nặng gây ra tình trạng teo cơ tim, các đầu chi lạnh và tím, khó bắt mạch, chuyển hóa protein, chuyển hóa nước và điện giải

Suy dinh dưỡng nặng có thể gây suy giảm chức năng gan

  1. Điều trị suy dinh dưỡng nặng

Việc điều trị trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng là vô cùng cấp thiết. Khi nhận thấy những dấu hiệu suy dinh dưỡng nặng, cha mẹ cần ngay lập tức đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị. Nếu để tình trạng này kéo dài, trẻ sẽ xuất hiện các biến chứng như: hạ đường huyết, rối loạn điện giải, tổn thương não, thậm chí là tử vong do nhiễm khuẩn.

Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ yêu cầu ba mẹ thay đổi chế độ ăn uống cho trẻ. Nguyên tắc cho ăn sẽ chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, thức ăn nên ăn từ dạng loãng đến dạng đặc. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên tăng dần số lượng thức ăn và lượng calo lên mỗi ngày. Số lượng calo tăng đều và dựa vào trọng lượng cơ thể của trẻ.

Trong trường hợp trẻ chán ăn có thể sử dụng ống thông hoặc nhỏ giọt dạ dày để bơm cho trẻ ăn. Thức ăn bổ sung hàng ngày cho trẻ bao gồm: dầu, đường, bột ngũ cốc kết hợp với thịt cá,… Tăng cường bổ sung nước trái cây cho trẻ.

Các biến chứng suy dinh dưỡng nặng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sự phát triển toàn diện của trẻ. Vì thế khi trẻ có dấu hiệu suy dinh dưỡng nặng, cha mẹ nên đưa trẻ đến các trung tâm y tế để thăm khám và được tư vấn về cách điều trị hiệu quả.

Hãy thường xuyên truy cập website VnaMedical.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.