Các bệnh thường gặp khi thiếu Vitamin A, Dinh dưỡng điều trị và dự phòng thiếu Vitamin A?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng ThS. Hùng Lê – Tốt nghiệp Thạc sỹ Dinh dưỡng tại Đại học Y Hà Nội, hiện là Giảng viên, CEO & Co-Founder Công ty CP công nghệ trí tuệ nhân tạo VNA (chủ quản của công ty TNHH dịch vụ y tế VnaMedical VnaMedical.com)

Bệnh thiếu vitamin A là bệnh hay gặp ở trẻ dưới 3 tuổi. Thiếu vitamin A làm trẻ chậm lớn, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, tăng nguy cơ tử vong, khô mắt dẫn tới hậu quả mù loà.

  1. Tác hại của thiếu Vitamin A

Trên thế giới hàng năm có khoảng 500 nghìn trẻ bị mù và khoảng 40 triệu trẻ em bị thiếu vitamin A ở mức độ nhẹ và vừa.

Ở Việt nam:

Tại cộng đồng: Có 0,7% trẻ em bị khô mắt do thiếu vitamin A, 70 nghìn trẻ em có triệu chứng thiếu vitamin A và 4400 trẻ bị mù.

Tại bệnh viện: Thường gặp ở bệnh nhân bị suy dinh dưỡng (25,5% bệnh nhân suy dinh dưỡng có triệu chứng thiếu vitamin A và 9,1% bị mù do thiếu vitamin A).

Trẻ khô mắt do thiếu vitamin A

  1. Vai trò của vitamin A trong cơ thể

Vitamin A tham gia vào quá trình tăng trưởng, nếu thiếu vitamin A trẻ kém ăn, chậm lớn. Vitamin A kết hợp với một protein đặc hiệu tạo thành Rhodopsin, chất này cần thiết cho sự nhìn khi thiếu ánh sáng, do đó biểu hiện sớm của bệnh là giảm khả năng thích nghi với bóng tối.

Vitamin A tham gia vào quá trình đáp ứng miễn dịch. Thiếu vitamin A gây suy giảm miễn dịch, trẻ dễ bị nhiễm khuẩn.

Vitamin A tham gia vào quá trình biệt hóa các tổ chức biểu mô như ở da, khí quản, ruột non. Khi thiếu vitamin A, sản xuất các niêm dịch giảm, khô và sừng hóa các niêm mạc (dạ dày, thực quản, phế quản,…) biểu mô kết mạc, giác mạc, tuyến lệ bị sừng hóa dẫn đến khô mắt.

  1. Chuyển hoá vitamin A trong cơ thể

Nguồn vitamin A:

Vitamin A trong thức ăn có 2 nguồn:

– Thức ăn động vật như gan, sữa, lòng đỏ trứng gà, cá… dưới dạng retinol dễ hấp thu.

– Thức ăn thực vật như trong các loại quả cam, gấc, đu đủ, ớt, hồng,…, các loại rau sẫm màu như rau ngót, rau dền,… dưới dạng tiền vitamin A (β Caroten) khó hấp thu hơn.

Nhu cầu vitamin A ở trẻ em:

Nhu cầu Vitamin A ở trẻ em: 300 – 400 μg vitamin A trong 1 ngày.

(1 đơn vị quốc tế Retinol = 0,3μg Retinol).

Hấp thu:

Vitamin A trong thức ăn được hấp thu ở ruột non, sự hấp thu này cần có muối mật, mỡ, dịch tụy. Phần lớn vitamin A được chuyển tới gan và được tích lũy ở gan dưới dạng este retinol.

Vitamin A trong thức ăn được cơ thể hấp thu khoảng 80% và được dự trữ ở gan 30 – 50%. Khi cơ thể thiếu vitamin A thì lượng este retinol được huy động phân huỷ thành retinol. Retinol sẽ kết hợp với một protein đặc hiệu gọi là protein gắn với retinol (Retinol – Binding- Protein hay RBP). Protein này được tổng hợp ở gan và chỉ được giải phóng ra máu dưới dạng kết hợp với retinol và vận chuyển retinol đến nơi cần thiết.

Khi thiếu vitamin A sự giải phóng ra RBP bị ức chế, vì thế định lượng vitamin A, RBP trong huyết thanh đều giảm.

Vitamin A rất quan trọng đối với trẻ

  1. Nguyên nhân thiếu vitamin A

– Do cung cấp thiếu

– Ăn quá nhiều bột gạo nhưng không có dầu mỡ.

– Trẻ nuôi nhân tạo bằng sữa bò tách bơ.

– Ăn ít rau quả, thức ăn động vật có nhiều vitamin A.

– Do hấp thu kém

– Trẻ bị bệnh tiêu chảy kéo dài.

– Trẻ mắc các bệnh gan mật: Suy gan, tắc mật.

– Trẻ bị suy dinh dưỡng nặng.

– Trẻ bị các bệnh nhiễm khuẩn: sởi, lỵ.

Điều kiện thuận lợi:

– Hay gặp ở trẻ nhỏ vì nhu cầu cao gấp 5 – 6 lần so với trẻ lớn và người lớn.

– Hay gặp ở trẻ nuôi nhân tạo, trẻ bị suy dinh dưỡng, bị nhiễm khuẩn.

Trẻ hấp thu kém gây thiếu vitamin A

  1. Triệu chứng thiếu Vitamin A

5.1. Triệu chứng lâm sàng

Toàn thân:

– Trẻ mệt mỏi, kém ăn, chậm lớn.

– Da khô, tóc khô dễ gãy.

– Trẻ dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, bị rối loạn tiêu hoá.

Tại mắt: Theo phân loại của WHO , gồm các giai đoạn tổn thương sau:

– Quáng gà (kí hiệu là XN): Là dấu hiệu sớm nhất của thiếu vitamin A tại mắt. Do giảm cung cấp vitamin A đến những tế bào hình que của võng mạc làm giảm khả năng thích nghi với bóng tối của võng mạc. Khi chập choạng tối trẻ thường không nhìn thấy, trẻ hãy vấp ngã, lần mò theo tường, không nhận biết được người quen,…

– Khô kết mạc (X1A): Màng tiếp hợp khô, không bóng ướt như bình thường, kết mạc dày lên có nếp nhăn đổi màu xám nhạt, vàng nhạt hoặc nâu sẫm.

– Vệt Bitot (X1B): Là những vệt trắng, bóng trên màng tiếp hợp có hình tam giác do biểu mô bị dày lên và bong vẩy ở cả 2 phía của mắt nhưng thường ở phía thái dương.

Khô giác mạc (X2): Giác mạc bị khô mất bóng sáng, giác mạc mờ đục như màn sương phủ thường bắt đầu từ phần dưới của giác mạc.

Trẻ biếng ăn và chậm lớn

Bốn giai đoạn trên nếu điều trị kịp thời sẽ khỏi hoàn toàn không để lại di chứng:

– Loét giác mạc trên 1/3 diện tích giác mạc (X3B): Giác mạc bị loét, có thể bị thủng, phòi mống mắt ra ngoài và teo nhãn cầu gây mù vĩnh viễn.

– Loét giác mạc dưới 1/3 diện tích giác mạc (X3A): Do giác mạc bị khô nên dễ nhiễm khuẩn và loét nếu điều trị không kịp thời loét nhanh và gây thủng giác mạc.

– Sẹo giác mạc (XS): Là di chứng của loét giác mạc, tuỳ theo vị trí sẹo to hay sẹo nhỏ mà có ảnh hưởng đến thị lực của trẻ.

– Khô đáy mắt (XF): Biểu hiện tình trạng thiếu vitamin A mạn tính hay gặp ở tuổi đi học. Soi đáy mắt sẽ có những vùng trắng sáng nằm rải rác dọc theo các mạch máu võng mạc có màu nâu đỏ.

5.2. Xét nghiệm

Hàm lượng vitamin A trong máu giảm dưới 10μg% (bình thường 20-50μg%).

RBP trong máu giảm (bình thường 20 – 30μg/ml).

  1. Điều trị thiếu vitamin A

Chỉ định:

– Cho tất cả những trẻ khô mắt.

– Những trẻ bị suy dinh dưỡng nặng

Đường uống:

– Tuổi Trẻ < 1 tuổi Trẻ > 1 tuổi

– Tổng liều 300.000 đơn vị 600.000 đơn vị.

– Ngày 1 100.000 đv 200.000 đv.

– Ngày 2 100.000 đv 200.000 đv.

– Sau 2 tuần 100.000 đv 200.000 đv.

Đường tiêm bắp sâu: Liều bằng 1/2 liều uống. Cho những trẻ bị bệnh gan mật, rối loạn tiêu hoá kéo dài, nôn nhiều.

Chú ý: Khi dùng vitamin A phải theo dõi ngộ độc vitamin A không. Biểu hiện như trẻ nôn, chóng mặt, nhức đầu, tăng bài tiết mồ hôi, thóp căng phồng, nhìn đôi, miệng lưỡi sưng tấy, chảy máu, vàng da, kém ăn. Xét nghiệm thấy giảm prothrombin, tăng canxi máu, tăng lipid máu.

Tại mắt: Nhỏ dung dịch chloramphenicol 0,4% hoặc vitamin A tan trong nước ngày 2 – 3 lần.

Trẻ được uống vitamin A

  1. Phòng bệnh thiếu vitamin A

Phòng bệnh bằng chế độ ăn cho bà mẹ và trẻ em

Đối với bà mẹ: Khi có thai và cho con bú cần ăn nhiều thức ăn giàu vitamin A, ăn tăng dầu mỡ.

Đối với trẻ:

– Cho trẻ bú sớm, ngay sau đẻ từ 30 phút đến 1 giờ, bú hoàn toàn trong 4 – 6 tháng đầu, bú kéo dài 18 – 24 tháng.

– Ăn bổ sung từ 4 – 6 tháng trở lên, ăn theo ô vuông thức ăn.

– Uống vitamin A liều cao

– Nếu không có đủ vitamin A, nên ưu tiên cho những trẻ có nguy cơ đe doạ thiếu vitamin A như trẻ bị rối loạn tiêu hoá kéo dài, trẻ bị sởi, lỵ, trẻ bị suy dinh dưỡng vừa và nhẹ, viêm phổi kéo dài, vùng có tỷ lệ mắc bệnh cao.

Trẻ < 6 tháng: nếu chỉ có bú mẹ thì không cần uống.

Nếu nuôi nhân tạo cho uống 50.000 đv/lần, 6 tháng uống 1 lần.

Trẻ dưới 1 tuổi: 100.000 đv/lần; 6 tháng/lần.

Trẻ trên 1 tuổi: 200.000 đv/lần; 6 tháng /lần.

Đối với người mẹ: sau đẻ trong tháng đầu có thể uống 200.000 đv/lần.

Khi mang thai và cho con bú nếu nghi ngờ thiếu vitamin A thì uống 10.000 đv/ngày, uống trong 2 tuần.

Uống vitamin A liều cao giúp phòng bệnh thiếu vitamin A

Tuyên truyền giáo dục

Tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của thiếu vitamin A.

Giáo dục, hướng dẫn người mẹ biết phát hiện dấu hiệu quáng gà để điều trị sớm, tránh mù lòa.

Thêm vitamin A vào bữa ăn cho trẻ: từ các loại thực phẩm giàu vitamin A.

Tổ chức, triển khai tốt chương trình phòng chống thiếu vitamin A.

Có thể thấy Vitamin A đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ. Vì thế, cha mẹ nên chú ý và bổ sung vitamin A cho trẻ một cách điều độ.

Bên cạnh việc bổ sung vitamin A, để trẻ phát triển toàn diện, cha mẹ cũng nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời, các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Hãy đồng hành cùng con trong suốt quá trình phát triển và thường xuyên truy cập website VnaMedical.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.