Người soạn: Thạc sỹ. Lê Huy Hùng
PHẦN 1
LÝ THUYẾT
A.Mục tiêu
Sau khi học xong, học viên sẽ nắm được:
- Nắm được cơ bản chăm sóc sức khoẻ nói chung cho trẻ học đường.
- Nắm được cơ bản chăm sóc sức khoẻ dinh dưỡng cho trẻ học đường.
B. NỘI DUNG
I. Chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em trong độ tuổi đến trường.
- Khái niệm
- Vai trò
- Nguyên tắc
- Một số sai lầm cần tránh khi chăm sóc trẻ em
II. Chăm sóc sức khoẻ dinh dưỡng cho trẻ em trong độ tuổi đến trường.
- Tầm quan trọng của chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em
- Đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ
- Cải thiện dinh dưỡng học đường
- 10 nguyên tắc vàng trong đảm bảo an toàn thực phẩm học đường
- Các nhóm thực phẩm thiết yếu
- Khuyến nghị các nhóm chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày
NỘI DUNG CỤ THỂ
I. Chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em trong độ tuổi đến trường
- Khái niệm về chăm sóc sức khoẻ trẻ em:
Chăm sóc sức khỏe trẻ em tưởng chừng như đơn giản nhưng lại bao gồm rất nhiều vấn đề mà các bậc cha mẹ cần lưu tâm, như vậy:
Chăm sóc sức khỏe trẻ em là một phạm trù rộng, bao gồm chăm sóc về dinh dưỡng, phòng ngừa và điều trị bệnh, hỗ trợ phát triển thế chất và nhiều vấn đề quan trọng khác mà các bậc cha mẹ cần biết trên hành trình cùng con khôn lớn.
2. Vai trò của chăm sóc sức khỏe trẻ em
Chăm sóc sức khỏe trẻ em là vấn đề quan trọng nhất trong chăm sóc trẻ em. Bởi chỉ khi trẻ có sức khỏe, trẻ mới có thể phát triển tốt về cảm xúc, trí tuệ. Có thể nói, sức khỏe là nền tảng cho sự phát triển toàn diện ở trẻ. Việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ cần bắt đầu ngay từ khi trẻ chào đời.
Chăm sóc sức khỏe cho trẻ em bao gồm:
– Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học;
– Phòng ngừa và điều trị bệnh tật đúng cách, kịp thời;
– Khuyến khích vận động để phát triển thể chất lành mạnh, tăng đề kháng tự nhiên.
Mọi thành viên trong gia đình đều cần chú trọng chăm sóc sức khỏe trẻ em
Chăm sóc sức khỏe cho trẻ em nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi để trẻ phát triển mạnh mẽ về thể chất và trí tuệ. Việc này cũng giúp trẻ tăng sức đề kháng tự nhiên, giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc giảm nhẹ tình trạng bệnh nếu trẻ không may mắc bệnh. Không sai khi nói rằng chăm sóc cho trẻ em đúng cách và hiệu quả giúp thế hệ tương lai của chúng ta khỏe mạnh hơn.
3. Nguyên tắc quan trọng khi chăm sóc sức khỏe trẻ em:
Khi chăm sóc sức khỏe trẻ em, cha mẹ cần ghi nhớ những nguyên tắc sau:
3.1. Chế độ dinh dưỡng khoa học, phù hợp từng lứa tuổi
Chế độ dinh dưỡng vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Cha mẹ nên cung cấp cho trẻ những bữa ăn đa dạng thực phẩm, đầy đủ các nhóm chất và cân bằng dinh dưỡng. Sự thiếu hụt dinh dưỡng trong bữa ăn có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, khiến trẻ chậm phát triển về thể chất và ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ.
3.2. Ngủ đủ giấc và có những giấc ngủ chất lượng
Giấc ngủ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. Giấc ngủ ban đêm là thời gian lượng hormone tăng trưởng được sản xuất ra nhiều nhất. Những giấc ngủ sâu cũng tốt cho trí nhớ và sự phát triển trí tuệ ở trẻ.
Giờ đi ngủ lý tưởng cho trẻ em để tăng chiều cao sẽ khác nhau tùy từng độ tuổi. Thông thường, trẻ sơ sinh sẽ dành phần lớn thời gian trong ngày để ngủ (12 – 16 giờ/ngày). Trẻ càng lớn, nhu cầu ngủ càng giống người trưởng thành (khoảng 8 – 10 giờ/ngày).
3.3. Khám chữa bệnh kịp thời.
Không thể tránh khỏi những lúc trẻ bị ốm bệnh. Khi đó, cha mẹ cần cho trẻ đi khám bác sỹ. Qua chẩn đoán bệnh, bác sỹ sẽ kê đơn thuốc để điều trị hiệu quả. Cha mẹ cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ dẫn điều trị bệnh của bác sỹ, không tự ý bỏ ngang liệu trình dùng thuốc cũng như tự ý tăng, giảm lượng thuốc.
3.4. Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ
Để giảm nguy cơ mắc bệnh, cha mẹ cần nắm được lịch tiêm chủng cho trẻ em từ 0 – 12 tuổi để cho trẻ đi tiêm đúng lịch và đủ mũi. Một số mũi tiêm quan trọng mà cha mẹ không nên bỏ qua như: Lao phổi, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi,… nên được tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ.
3.5. Vệ sinh cá nhân cho trẻ sạch sẽ
Chăm sóc sức khỏe trẻ em cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề vệ sinh cá nhân. Trẻ cần được tắm gội sạch sẽ, đánh răng, rửa mặt, vệ sinh mắt, mũi, súc miệng hàng ngày. Riêng việc rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn cần được thực hiện nhiều lần trong ngày. Vệ sinh cá nhân sạch sẽ giúp loại bỏ các vi khuẩn và tác nhân gây bệnh, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ở trẻ.
3.6. Kiểm soát việc dùng các thiết bị điện tử
Việc trẻ em dùng các thiết bị điện tử là không thể tránh khỏi trong xã hội hiện đại. Cha mẹ không thể cấm trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử một cách tuyệt đối nhưng cần kiểm soát chúng. Cha mẹ nên quy định rõ thời điểm và khoảng thời gian trẻ được tiếp xúc với tivi, máy tính, điện thoại,… Cho trẻ tiếp xúc với thiết bị điện tử quá nhiều không những ảnh hưởng đến thị lực mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, trí tuệ ở trẻ.
3.7. Khuyến khích trẻ hoạt động thể chất
Chăm sóc sức khỏe trẻ em đúng cách cũng là khuyến khích và tạo điều kiện để con được tham gia các hoạt động thể chất đầy đủ. Vận động là cách để trẻ phát triển thể chất, thư giãn tinh thần, cải thiện tâm trạng và rèn luyện nhiều kỹ năng quan trọng khác. Vận động thể chất cũng giúp trẻ tăng sức đề kháng tự nhiên.
Hoạt động thể chất tạo nền tảng sức khỏe tốt cho mọi lứa tuổi
4. Sai lầm cần tránh khi chăm sóc sức khỏe trẻ em
Trong quá trình chăm sóc sức khỏe trẻ em, có một số sai lầm thường gặp mà các bậc cha mẹ cần tránh như:
4.1. Không cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ
Trong xã hội hiện đại ngày nay, nhiều bà mẹ trẻ sợ rằng việc nuôi con bằng sữa mẹ sẽ ảnh hưởng đến hình dáng cơ thể. Vì vậy, họ không cho con bú sữa mẹ mà dùng sữa công thức thay thế.
Các chuyên gia và bác sĩ trên toàn thế giới luôn khuyến cáo sữa mẹ là tốt nhất cho sức khỏe của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Sữa mẹ không chỉ cung cấp dưỡng chất mà còn chứa kháng thể IgG giúp tăng miễn dịch cho trẻ. Chỉ khi mẹ không đủ sữa hoặc vì các lý do khác như điều trị bệnh, mẹ dùng thuốc,… mới nên cho trẻ dùng sữa công thức thay thế.
4.2. Cho trẻ ăn dư thừa chất bổ dưỡng
Khi kinh tế ngày càng phát triển, các gia đình có điều kiện hơn nên có xu hướng chăm bẵm con cái nhiều hơn. Cách chăm sóc sức khỏe trẻ em này dẫn đến tình trạng trẻ dư thừa dinh dưỡng dẫn đến thừa cân béo phì. Cha mẹ nên tìm hiểu các nhóm dinh dưỡng cho bé theo từng độ tuổi để xây dựng chế độ ăn phù hợp với từng trẻ.
4.3. Dùng thuốc chữa bệnh không khoa học
Đây cũng là sai lầm phổ biến của rất nhiều cha mẹ Việt. Khi thấy con có triệu chứng ốm, thường họ sẽ không đưa con đi khám để bác sĩ kê đơn thuốc mà tự ý mua thuốc theo kinh nghiệm bản thân. Thậm chí, nhiều phụ huynh còn tự ý tăng hoặc giảm liều thuốc, bỏ ngang việc uống thuốc khi chưa có sự tư vấn của bác sĩ. Dùng thuốc không đúng chỉ định, không đủ liều có thể dẫn đến tình trạng nhờn thuốc, kháng kháng sinh.
Tránh những sai lầm này để những đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh, hạnh phúc
Trên đây là toàn bộ những vấn đề quan trọng nhất xoay quanh việc chăm sóc sức khỏe trẻ em. Hy vọng với những chia sẻ trên đây, các bậc phụ huynh sẽ có cách chăm sóc sức khỏe phù hợp nhất với những đứa con của mình.
II. Chăm sóc sức khoẻ dinh dưỡng cho trẻ trong độ tuổi đến trường
Dinh dưỡng học đường không chỉ đóng vai trò cung cấp năng lượng cho hoạt động hàng ngày của trẻ em, mà còn là nền tảng quan trọng cho sự phát triển thể chất và trí tuệ. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý tại trường học giúp học sinh không chỉ khỏe mạnh mà còn tập trung tốt hơn, cải thiện kết quả học tập và phát triển toàn diện. Khi đầu tư vào dinh dưỡng học đường, chúng ta không chỉ chăm sóc sức khỏe hiện tại của trẻ mà còn xây dựng tương lai bền vững cho thế hệ mai sau.
Tình trạng dinh dưỡng học đường tại Việt Nam đang trở thành một vấn đề ngày càng được quan tâm, đặc biệt khi các bệnh lý liên quan đến dinh dưỡng như béo phì và suy dinh dưỡng đang có dấu hiệu gia tăng ở học sinh.
Béo phì: Tỷ lệ béo phì ở trẻ em tại Việt Nam, đặc biệt là ở các thành phố lớn, đang gia tăng nhanh chóng. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở đô thị đã tăng từ 8.5% (năm 2010) lên khoảng 19% (năm 2020). Nguyên nhân chính bao gồm chế độ ăn uống không lành mạnh, ít hoạt động thể chất và thói quen tiêu thụ thực phẩm nhanh, giàu năng lượng nhưng nghèo dinh dưỡng.
Suy dinh dưỡng: Bên cạnh tình trạng béo phì, suy dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu vi chất dinh dưỡng như vitamin A, sắt và kẽm, vẫn là một vấn đề nghiêm trọng ở các vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa. Theo số liệu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi vẫn còn cao, mặc dù đã có sự giảm đáng kể trong những năm gần đây.
Chế độ ăn uống trong trường học: Chất lượng bữa ăn trong các trường học vẫn chưa được đảm bảo đầy đủ về mặt dinh dưỡng. Thực phẩm được cung cấp thường thiếu sự đa dạng, không đủ rau xanh và hoa quả, trong khi lại thừa chất béo và đường.
Chương trình giáo dục dinh dưỡng: Mặc dù đã có những nỗ lực từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như các tổ chức y tế, trong việc triển khai các chương trình giáo dục dinh dưỡng cho học sinh, nhưng hiệu quả vẫn còn hạn chế. Kiến thức về dinh dưỡng của học sinh và phụ huynh còn thiếu sót, dẫn đến việc lựa chọn thực phẩm không hợp lý.
Cải thiện dinh dưỡng học đường đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phát triển thể chất và trí tuệ của học sinh, cũng như phòng ngừa các vấn đề sức khỏe ngắn hạn và dài hạn. Dưới đây là một số lý do vì sao việc cải thiện dinh dưỡng học đường là cần thiết:
- Tầm quan trọng của chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em
– Hỗ trợ phát triển thể chất và trí tuệ: Dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng là nền tảng cho sự phát triển của trẻ em. Một chế độ ăn uống lành mạnh cung cấp các dưỡng chất cần thiết như protein, vitamin, khoáng chất và chất béo có lợi, giúp trẻ phát triển chiều cao, tăng cường khả năng miễn dịch và phát triển trí tuệ tốt hơn. Thiếu dinh dưỡng có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, chậm phát triển thể chất và các vấn đề về trí tuệ như kém tập trung, giảm khả năng học tập.
– Phòng ngừa các bệnh liên quan đến dinh dưỡng: Một chế độ dinh dưỡng không hợp lý có thể dẫn đến các bệnh lý như béo phì, suy dinh dưỡng, thiếu máu do thiếu sắt, loãng xương do thiếu canxi và các vấn đề về sức khỏe khác. Béo phì ở trẻ em đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở các đô thị, trong khi đó, suy dinh dưỡng vẫn còn phổ biến ở các khu vực nông thôn. Cải thiện dinh dưỡng học đường giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh này, bảo vệ sức khỏe toàn diện cho học sinh.
– Tăng cường hiệu suất học tập: Dinh dưỡng tốt có liên quan chặt chẽ đến khả năng học tập của học sinh. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em được cung cấp chế độ ăn uống lành mạnh có xu hướng học tốt hơn, có khả năng tập trung cao hơn và ít bị mệt mỏi trong suốt ngày học. Trái lại, trẻ em thiếu dinh dưỡng thường gặp khó khăn trong việc tập trung, ghi nhớ và xử lý thông tin.
– Xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh: Trường học là nơi lý tưởng để giáo dục học sinh về thói quen ăn uống lành mạnh. Bằng cách cung cấp bữa ăn dinh dưỡng và giáo dục dinh dưỡng, nhà trường có thể giúp trẻ em hình thành thói quen ăn uống tốt từ sớm, điều này sẽ có lợi cho sức khỏe của chúng trong suốt cuộc đời.
– Đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội: Cải thiện dinh dưỡng học đường không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của từng cá nhân mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội. Trẻ em khỏe mạnh và thông minh hơn sẽ trở thành những công dân có năng lực, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước.
Việc đầu tư vào cải thiện dinh dưỡng học đường là một chiến lược quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng cường sức khỏe cộng đồng và đảm bảo tương lai của thế hệ trẻ.
- Đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ
Một số phương pháp đánh giá TTDD
– Nhân trắc học
– Điều tra khẩu phần và tập quán ăn uống. Khám lâm sàng.
– Các xét nghiệm chủ yếu là hoá sinh (máu, nước tiểu…).
– Các kiểm nghiệm xác định các rối loạn chức phận do thiếu hụt dinh dưỡng.
– Điều tra tỷ lệ bệnh tật và tử vong để tìm hiểu mối liên quan giữa bệnh tật và TTDD.
– Đánh giá các yếu tố sinh thái liên quan đến TTDD và sức khoẻ.
Phương pháp nhân trắc học dinh dưỡng
– Khối lượng cơ thể, biểu hiện bằng cân nặng.
– Các kích thước về độ dài, đặc hiệu là chiều dài nằm, chiều cao đứng.
– Cấu trúc cơ thể và các dự trữ về năng lượng và protein, thông qua các mô mềm bề mặt như lớp mỡ dưới da và cơ…
Tuổi | Kích thước |
Trẻ sơ sinh |
– Cân nặng sơ sinh
– Chiều dài nằm sơ sinh – Vòng đầu sơ sinh |
Trẻ từ 1 đến 60 tháng tuổi |
– Cân nặng
– Chiều dài ( <24 tháng) – Chiều cao ( >24 tháng) – Nếp gấp da ở cơ tam đầu và nhị đầu – Vòng cánh tay |
Trẻ từ 5 – đến 11 tuổi |
– Cân nặng
– Chiều cao – Vòng cánh tay – Vòng đầu – Vòng ngực – Nếp gấp da ở cơ tam đầu |
Chuẩn đánh giá nhân trắc cho trẻ dưới 5 tuổi với chỉ số SD
Sử dụng 3 chỉ số với ngưỡg -2SD
– Cân nặng theo tuối (CN/T) => SDD thể nhẹ cân
– Chiều cao theo tuổi (CC/T) => SDD thể thấp còi
– Cân nặng théo chiều cao => SDD thể gầy còm
BMI theo tuổi z-score (BAZ)
– Thừa cân: >+2SD (tương đương BMI 25 kg/m2 ở 19 tuổi trở lên)
– Béo phì: >+3SD (tương đương BMI 30 kg/m2 ở 19 tuổi trở lên)
– Gầy còm: <-2 SD
Chiều cao theo tuổi z-score (HAZ)
– Thấp còi: <-2 SD
– Bình thường: ≥-2SD và ≤ 2SD
https://www.who.int/tools/growth-reference-data-for-5to19-years/indicators/bmi-for-age
Chuẩn đánh giá nhân trắc: 5-19 tuổi
Phương pháp thu thập chỉ số nhân trắc cơ bản
– Cân đo trẻ nhỏ dưới 2 tuổi
– Cân đo trẻ em dưới 5 tuổi
– Cân đo trẻ trên 5 tuổi
Kỹ thuật đo
Dụng cụ và cách đo chiều dài nằm của trẻ dưới 24 tháng tuổi
Đo chiều cao đứng của trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên.
Kỹ thuật đo
Khi trẻ không đo đứng được sẽ phải đo nằm rồi lấy kết quả
trừ đi 0,7cm.
- Khi trẻ 24 tháng tuổi có thể đo đứng hoặc nằm nhưng lưu ý khi đo đứng phải so sánh với bảng phân loại cho đo đứng và khi đo nằm thì so sánh kết quả với bảng phân loại đo nằm.
Kỹ thuật cân
- Chuẩn bị địa điểm
- Chuẩn bị cân
- Chuẩn bị người được cân
- Tiến hành cân
- Ghi kết quả
- Tư vấn
3. Cải thiện dinh dưỡng học đường
Với trẻ em trong lứa tuổi học đường, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng quyết định đến sự phát triển thể lực, trí tuệ, tầm vóc và khả năng học tập của trẻ.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ em có tói quen ăn uống lành mạnh, đầy đủ, cân đối về dinh dưỡng và có lỗi sống tích cực sẽ có sức khoẻ và thành tích học tập tốt hơn
Chế độ dinh dưỡng hợp lý với thói quen ăn uống lành mạnh, tích cực duy trì hoạt động thể lực sẽ giúp phòng chống suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm khác như tiểu đường, tim mạch, đột quỵ và ung thư.
Một chế độ dinh dưỡng hợp lý không chỉ là đáp ứng đủ nhu cầu về năng lượng mà còn phải đảm bảo đủ và cân đối các chất dinh dưỡng, thông qua một chế độ ăn đa dạng thực phẩm. phân bố năng lượng và thời gian giữa các bữa ăn trong ngày một cách hợp lý
Bữa ăn phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, uống đủ nước hàng ngày. Bên cạnh đó học sinh cần phải duy trì một lối sống lành mạnh, năng động có chế độ tập luyện thể lực phù hợp với lứa tuổi.
Dinh dưỡng hợp lý cần đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng hàng ngày, nhu cầu năng lượng phụ thuốc vào các yếu tố: tuổi, giới, mức độ hoạt động thể lực, tình trạng sinh lý của cơ thể.
Năng lượng mà cơ thể hấp thu được từ bữa ăn sẽ cung cấp cho các hoạt động chuyển hoá trong cơ thể, trong các hoạt động thể lực, hoạt động trí não. Cơ thể hấp thu năng lượng từ các nhóm thực phẩm có chứa các chất sinh năng lượng như: nhóm giàu chất đạm, nhóm giàu chất bột dường và nhóm giàu chất béo. 3 nhóm chất này còn được gọi là các chất dinh dưỡng đa lượng. nếu thiếu năng lượng cơ thể sẽ mệt mỏi, không muốn tham gia các hoạt động thể lực, cảm giác buồn ngủ, lười suy nghĩ, sau cơ bắp và não không được cung cấp đủ năng lượng tình trạng thiếu năng lượng kéo dài sẽ làm cơ thể gầy yếu, chậm phát triển và ngược lại nếu bữa ăn luôn cung cấp quá thừa năng lượng cùng với lối sống lười vận động thể lực, thì cơ thể sẽ tích luỹ năng lượng thừa này dưới dạng mỡ và hậu quả sẽ dẫn đến bị thừa cân béo phì. Vì thế chúng ta phải chú ý bữa ăn phải đầy đủ về số lượng, cân đối về chất lượng và sự phân bố các bữa ăn trong ngày cũng phải phù hợp, không bỏ bữa ăn sáng
Dinh dưỡng hợp lý cần cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng hàng ngày, trẻ em tuổi học đường là lứa tuổi đang lớn lên, phát triển cả về thể lực, tầm vóc, trí não nên cơ thể cần được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu hàng ngày.
Thực hiện hoạt động dinh dưỡng học đường tại trường học đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe và phát triển toàn diện cho học sinh. Các trường cần đẩy mạnh giáo dục dinh dưỡng và thể chất, kết hợp chúng vào chương trình học chính khóa và hoạt động ngoại khóa, giúp học sinh hiểu rõ tầm quan trọng của chế độ ăn uống lành mạnh.
Ngoài ra, việc truyền thông cho phụ huynh về dinh dưỡng hợp lý và an toàn thực phẩm cũng rất cần thiết, đặc biệt là trong giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì. Tổ chức bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng phù hợp theo độ tuổi và vùng miền, cùng với việc duy trì tẩy giun định kỳ, sẽ giúp ngăn ngừa các bệnh liên quan đến dinh dưỡng và bảo vệ sức khỏe học sinh.
Sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc chăm sóc dinh dưỡng sẽ tạo nên một môi trường giáo dục toàn diện, góp phần xây dựng thế hệ trẻ khỏe mạnh và năng động.
Để đảm bảo thực phẩm an toàn và bảo vệ sức khỏe học sinh, nhà trường thực hiện nghiêm ngặt 10 nguyên tắc vàng bảo đảm an toàn thực phẩm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong chế biến thực phẩm:
4. 10 nguyên tắc vàng trong đảm bảo an toàn thực phẩm học đường
- Chọn thực phẩm tươi, an toàn: Ưu tiên sử dụng thực phẩm tươi, không có dấu hiệu hư hỏng hoặc bị ô nhiễm.
- Nấu chín kỹ trước khi ăn: Đảm bảo thực phẩm được nấu ở nhiệt độ thích hợp để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh.
- Ăn ngay sau khi nấu: Hạn chế để thức ăn nguội trước khi ăn để tránh vi khuẩn phát triển.
- Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín: Giữ thức ăn chín ở nhiệt độ an toàn, tránh để quá lâu ở nhiệt độ phòng.
- Nấu lại thức ăn thật kỹ: Khi hâm lại thức ăn, đảm bảo nấu chín kỹ để tiêu diệt vi khuẩn.
- Tránh ô nhiễm chéo: Giữ riêng thức ăn chín và sống, tránh tiếp xúc với bề mặt bẩn.
- Rửa tay sạch: Trước khi chế biến và sau mỗi lần gián đoạn công việc, luôn rửa tay kỹ lưỡng.
- Giữ sạch các bề mặt chế biến: Bề mặt tiếp xúc với thực phẩm phải được vệ sinh sạch sẽ thường xuyên.
- Che đậy thực phẩm: Bảo vệ thực phẩm khỏi côn trùng và các động vật khác.
- Sử dụng nguồn nước sạch an toàn: Chỉ dùng nước sạch để rửa thực phẩm và chế biến.
Trong dinh dưỡng học đường, việc cung cấp đầy đủ và cân đối các nhóm thực phẩm là rất quan trọng để đảm bảo trẻ em nhận được đủ dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển. Dưới đây là các nhóm thực phẩm chính cần được đưa vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày:
5. Các nhóm thực phẩm thiết yếu
Dinh dưỡng hợp lý cần cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng hàng ngày, trẻ em tuổi học đường là lứa tuổi đang lớn lên, phát triển cả về thể lực, tầm vóc, trí não nên cơ thể cần được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu hàng ngày.
Thức ăn chúng ta ăn hàng ngày được chia làm 4 nhóm chính:
– Nhóm giàu chất đạm bao gồm cả chất đạm động vật như: thịt, cá, trứng, sữa, tôm cua cá… và đạm thực vật như những loại thực phẩm: đậu đỗ…
– Nhóm giàu chất bột đường: gạo, ngô, khoai, sắn…
– Nhóm giàu chất béo như: mỡ động vật và giàu thực vật
– Nhóm giàu vitamin và khoáng chất như: rau củ quả
Mỗi nhóm thực phẩm kể trên có vai trò khác nhau trong việc đáp ứng nhu cầu về năng lượng và các chất dinh dưỡng trong quá trình lớn lên, phát triển cũng như để duy trì các hoạt động sống của cơ thể. Muốn thế bữa ăn hàng ngày của chúng ta cần được sử dụng đa dạng với nhiều loại thực phẩm khác nhau, từ 4 nhóm thực phẩm kể trên.
Bên cạnh đó chúng ta cũng cần chú ý đến nhu cầu các vi chất dinh dưỡng, gọi là các vi chất dinh dưỡng là vì mặc dù cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ so với nhu cầu của các chất dinh dưỡng đa lượng là chất đạm, chất bột đường, chất béo. Những vi chất quan trọng có thể kể đến như vitamin A, sắt, kẽm, iod, những vi chất dinh dưỡng này có vai trò vô cùng quan trọng giúp cho trẻ em lớn lên, phát triển khoẻ mạnh cả về thể lực và trí tuệ. Nếu thiếu một trong các loại vi chất dinh dưỡng kể trên có thể gây ra hậu quả rất nghiêm trọng. như thiếu vitamin A gây chậm lớn, khô loét giác mạc, nặng hơn thì có thể gây mù vĩnh viễn, thiếu iod gây bứu cổ, đần độn, thiếu sắt gây thiếu máu dễ mắc các bệnh nhiễm trùng.
Chính vì thế để đáp ứng đủ nhu cầu các chất dinh dưỡng chúng ta cần ăn đa dạng các loại thực phẩm, đặc biệt là nhóm thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất, các loại rau có màu xanh thẫm như rau ngót, rau đay, rau mùng tơi… các loại củ quả có màu vàng, màu đỏ như củ cà rốt, quả dí đỏ, quả cà chua, quả đu đủ chín, quả chuối chín.. là những loại rau củ chứa nhiều vi ta min và khoáng chất cần thiết.
Hạn chế sử dụng các loại thức ăn, đồ uống chế biến sẵn, chứa nhiều muối, nhiều dường ngọt, nhiều chất béo xấu, không có lợi cho sức khoẻ. Ăn nhiều thức ăn chế biến sẵn có chứa nhiều đường ngọt, nhiều chất béo sẽ gây béo phì. Thức ăn chứa nhiều muối sẽ không tốt cho thận, cho hệ tim mạch.
Hãy duy trì lối sống lành mạnh, năng động. hạn chế ngồi tĩnh 1 chỗ nhiều giờ liền như ngồi xem tivi, chơi điện tử mãi mê hết giờ này đến giờ khác… cơ thể thiếu vận động thì hệ cơ, xương, khớp sẽ kém phát triển, tác phong sẽ kém nhanh nhẹn. hàng ngày chúng ta nên dành ít nhất 60 phút để rèn luyện thể lực bằng các hoạt động thể lực ngoài trời và luôn nhớ uống đủ nước theo nhu cầu của cơ thể, không để quá khát rồi mới nhớ ra để uống nước,
Tuy nhiên có thể chia thành 8 nhóm thực phẩm thiết yếu
- Nhóm lương thực: Bao gồm gạo, ngô, khoai, sắn và các loại thực phẩm cung cấp tinh bột khác, giúp cung cấp năng lượng cần thiết cho hoạt động hàng ngày.
- Nhóm hạt các loại: Bao gồm đậu, đỗ, vừng, lạc, là nguồn cung cấp protein thực vật, chất xơ, và các vitamin cùng khoáng chất quan trọng.
- Nhóm sữa và các sản phẩm từ sữa: Đây là nguồn cung cấp canxi và vitamin D, cần thiết cho sự phát triển của xương và răng.
- Nhóm thịt các loại, cá và hải sản: Cung cấp protein động vật, sắt, kẽm và omega-3, giúp hỗ trợ tăng trưởng và phát triển cơ bắp, chức năng não bộ.
- Nhóm trứng và các sản phẩm từ trứng: Là nguồn protein chất lượng cao, cung cấp các axit amin cần thiết cho cơ thể.
- Nhóm củ quả màu vàng, da cam, màu đỏ, và rau xanh thẫm: Bao gồm cà rốt, bí ngô, gấc, cà chua, và các loại rau tươi như rau bina, cải bó xôi. Nhóm này cung cấp vitamin A, C, chất chống oxy hóa, và chất xơ, giúp tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ mắt.
- Nhóm rau củ quả khác: Như su hào, củ cải, cung cấp thêm chất xơ, vitamin, và khoáng chất, giúp hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường sức khỏe tổng thể.
- Nhóm dầu ăn và mỡ các loại: Là nguồn cung cấp chất béo cần thiết, giúp hấp thụ các vitamin tan trong chất béo như A, D, E, K, và cung cấp năng lượng dự trữ.
Kết hợp các nhóm thực phẩm này trong chế độ dinh dưỡng học đường sẽ đảm bảo cung cấp đầy đủ và cân đối các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Khuyến nghị về tỷ lệ các nhóm chất trong bữa ăn dành cho trẻ em ở các độ tuổi khác nhau nhằm đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển toàn diện.
6. Khuyến nghị các nhóm chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày
6.1. Đối với trẻ nhà trẻ (<36 tháng tuổi)
– Chất đạm (Protein): Cung cấp khoảng 13% – 20% năng lượng khẩu phần.
– Chất béo (Lipid): Cung cấp khoảng 30% – 40% năng lượng khẩu phần.
– Chất bột (Gluxit): Cung cấp khoảng 47% – 50% năng lượng khẩu phần.
6.2. Đối với trẻ mẫu giáo (36 – 72 tháng tuổi)
– Chất đạm (Protein): Cung cấp khoảng 13% – 20% năng lượng khẩu phần.
– Chất béo (Lipid): Cung cấp khoảng 25% – 35% năng lượng khẩu phần.
– Chất bột (Gluxit): Cung cấp khoảng 52% – 60% năng lượng khẩu phần.
6.3. Đối với học sinh tiểu học (6 đến 11 tuổi)
– Chất đạm (Protein): Cung cấp khoảng 13% – 20% năng lượng khẩu phần.
– Chất béo (Lipid): Cung cấp khoảng 20% – 30% năng lượng khẩu phần.
– Chất bột (Gluxit): Cung cấp khoảng 55% – 65% năng lượng khẩu phần.
6.4. Vi chất dinh dưỡng cần thiết
Ngoài các nhóm chất chính như đạm, béo và bột đường, chế độ ăn uống của trẻ cần đảm bảo cung cấp đầy đủ các vi chất dinh dưỡng quan trọng, bao gồm:
– Canxi: Quan trọng cho sự phát triển xương và răng.
– Sắt: Cần thiết cho sự phát triển của não bộ và sản xuất hồng cầu.
– Kẽm: Hỗ trợ hệ thống miễn dịch và quá trình phát triển.
– Vitamin A, B, C, D, E: Các vitamin này đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sự phát triển, miễn dịch và chuyển hóa năng lượng.
– Chất xơ: Giúp duy trì sức khỏe tiêu hóa.
Việc duy trì tỷ lệ các nhóm chất này trong bữa ăn hàng ngày sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ, đồng thời phòng ngừa các nguy cơ suy dinh dưỡng và bệnh lý liên quan đến chế độ ăn uống không cân đối.
Để đảm bảo sự phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần cho trẻ em, việc xây dựng chế độ dinh dưỡng học đường hợp lý là vô cùng quan trọng. Việc cung cấp đủ các nhóm thực phẩm thiết yếu không chỉ giúp trẻ duy trì sức khỏe mà còn hỗ trợ học tập hiệu quả. Đồng thời, giáo dục dinh dưỡng và nâng cao nhận thức về thực phẩm lành mạnh trong trường học sẽ tạo nền tảng vững chắc cho thói quen ăn uống khoa học, góp phần xây dựng một thế hệ trẻ em khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng cho tương lai.
TÓM LẠI 1 SỐ LỜI KHUYÊN VỀ DINH DƯỠNG VÀ LỐI SỐNG CHO TRẺ EM TUỔI HỌC ĐƯỜNG
- Đủ nhu cầu về năng lượng
- Đủ nhu cầu và cân đối các chất dinh dưỡng
- Phân chia thời gian và năng lượng hợp lý cho các bữa ăn trong ngày
- Sử dụng đa dạng các loại thực phẩm
- Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm
- Hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn (thức ăn, đồ uống) chứa nhiều dường ngọt, muối, chất béo
- Duy trì lối sống năng động, lành mạnh, tích cực rèn luyện thể lực hàng ngày
PHẦN 2
THỰC HÀNH
Phần thực hành gồm có 2 nội dung chính:
- Đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ.
- Tư vấn dinh dưỡng và vận động hợp lý cho trẻ.
CỤ THỂ
- Sử dụng phương pháp truyền thống: Học viên đánh giá TTDD của trẻ, tính toán, xây dựng khẩu phần bằng tay.
- Sử dụng phương pháp công nghệ của công ty CP công nghệ trí tuệ nhân tạo VNA
Phần mềm công nghệ trí tuệ nhân tạo AI (VnaMedical-AI – bản Beta)
– Đánh giá chính xác tình trạng dinh dưỡng của từng trẻ (bình thường, bình thường có nguy cơ thừa cân hay suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì, suy dinh dưỡng các thể khác nhau…)
– Tính toán chính xác nhu cầu dinh dưỡng của từng trẻ sau khi xác định tình trạng dinh dưỡng của trẻ
– Xây dựng phác đồ (khẩu phần dinh dưỡng) riêng biệt cho từng trẻ
– Quy đổi thực phẩm, thực phẩm thay thế…
– Hướng dẫn vận động, nghỉ ngơi….
– Lưu trữ thông tin của trẻ trên hệ thống đám mây, được mã hoá và bảo mật cao gần như tuyệt đối, phụ huynh, giáo viên có thể tra cứu trên các thiết bị di động (điện thoại, ipad, máy tính bảng) hoặc máy tính, laptop, macbook… có kết nối internet.