TÌNH TRẠNG DINH DƯỠNG VÀ MỘT SỐ CHỈ SỐ HÓA SINH CỦA CÁN BỘ THUỘC BAN BẢO VỆ CHĂM SÓC SỨC KHỎE TỈNH LAI CHÂU QUẢN LÝ, NĂM 2019.

TÓM TẮT
Nghiên cứu với Mục tiêu đánh giá tình trạng dinh dưỡng và một số chỉ số hóa sinh của cán bộ thuộc Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe tỉnh Lai Châu quản lý, năm 2019. Phương pháp: Nghiên cứu cắt ngang mô tả. Kết quả: Tỷ lệ thừa cân béo phì chung của đối tượng nghiên cứu khá cao (47,0%) trong đó ở nữ (36,0%) thấp hơn so với nam giới (48,7%); chiều cao trung bình của nam là 164,7 ± 5,2 (cm), của nữ là 155,7 ± 5,3 (cm). Cân nặng trung bình của nam là 68,2 ± 7,8 (kg), của nữ là 57,8 ± 6,8 (kg). Các chỉ số hóa sinh của nhóm TCBP cao hơn so với nhóm không TCBP; đặc biệt các chỉ số Glucose máu lúc đói, Triglycerid và Acid uric cao hơn rõ rệt (có ý nghĩa thống kê p<0,0001; p<0,001 và p<0,01; tương ứng).
Từ khóa: Cán bộ, TCBP, hóa sinh, Lai Châu.

ABSTRACT
NUTRITION STATUS AND SOME BIOCHEMICAL INDICATORS OF EMPLOYEES MANAGED BY THE HEALTH CARE PROTECTION COMMITTEE OF LAI CHAU PROVINCE, 2019
Study with the aim of assessing the nutritional status and some biochemical indicators of employees under the management of Lai Chau’s Health Care Protection Committee, 2019. Method: Descriptive cross-sectional study. Results: The obesity prevalence of studied employees was quite high (47.0%), in which, in women (36.0%) lower than that of men (48.7%); The average height of men is 164.7 ± 5.2 (cm), women 155.7 ± 5.3 (cm). The average weight of men is 68.2 ± 7.8 (kg), women 57.8 ± 6.8 (kg). The biochemical indicators of the overweight and obesity group was higher than the non-one group; especially, the indicators of fasting blood glucose, triglycerides and uric acid were significantly higher (with statistical significance p <0.0001; p <0.001 and p <0.01; respectively).
Keywords: employees, overweight and obesity, biochemical indicators, Lai Chau.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Thừa cân và béo phì đang là mối đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe con người. Trọng lượng dư thừa ở bất kỳ lứa tuổi nào đều không tốt cho sức khoẻ. Do sự gia tăng các nguy cơ bệnh lý cộng với các yếu tố xã hội, người béo phì trung bình sẽ giảm 6 – 10 năm tuổi thọ [1][2].
Theo báo cáo của WHO, tỷ lệ thừa cân béo phì (TCBP) trên toàn cầu đã ở
mức báo động. Số liệu thống kê từ 84 nước từ năm 1999- 2000 đã cho thấy
chỉ riêng tỷ lệ béo phì (BMI >30) là 8,7% [3]. Trong năm 2014, trên thế giới hơn 1,9 tỷ người lớn từ 18 tuổi trở lên bị thừa cân. Trong số này có hơn 600 triệu người béo phì. Tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên bị thừa cân là 39% trong đó có 13% bị béo phì [4].
Tại Việt Nam, theo Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2000 của Viện Dinh dưỡng, tỷ lệ
thừa cân và béo phì chung người từ 20 tuổi trở lên là 5,6%, ở nam giới là
4,9% và ở nữ giới là 6,3%. Thừa cân béo phì ở nước ta cao nhất ở độ tuổi 55-
59 tuổi đối với nam (7,8%) và 50-55 tuổi đối với nữ 10,9%. Xu hướng thừa
cân, béo phì ở Việt Nam cũng giống như một số nước đang phát triển, gặp nhiều ở đô
thị hơn là ở nông thôn; trong đó ít hoạt động thể lực cũng là một yếu tố ảnh hưởng [5].
Cán bộ công chức là đối tượng lao động đặc biệt; được khám sức khỏe định kỳ hàng năm nhưng những báo cáo về tình trạng dinh dưỡng ở đối tượng này còn rất hạn chế. Nghiên cứu này nhằm “Đánh giá tình trạng dinh dưỡng và một số chỉ số hóa sinh của cán bộ thuộc Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe tỉnh Lai Châu quản lý, năm 2019”.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng, địa điểm và thời gian nghiên cứu
Cán bộ, công chức thuộc diện Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe tỉnh Lai Châu quản lý năm 2019; đồng ý tham gia nghiên cứu. Loại trừ các cán bộ mắc các bệnh cấp tính tại thời điểm điều tra hoặc có những dị tật ảnh hưởng đến nhân trắc.
2.2. Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang.
2.3. Cỡ mẫu và cách chọn mẫu: Sử dụng công thức tính mẫu ước lượng tỷ lệ quần thể với độ chính xác tương đối [6]:

Trong đó: n: Số cán bộ cần điều tra; Z(1 – α / 2) = 1,96 (với độ tin cậy 95%) ta có e =0,05; ε = 0,3 (độ chính xác tương đối); p = 0,149 là tỷ lệ thừa cân béo phì của cán bộ Đại học Y Hà Nội năm 2015 [7]  Cỡ mẫu tối thiểu n = 243. Chọn mẫu theo phương pháp ngẫu nhiên đơn. Thực tế đã nghiên cứu được 315 đối tượng trên tổng số 417 cán bộ.
2.4. Thu thập số liệu
– Nhân trắc: Đo chiều cao đứng bằng thước SECA có độ chính xác 0,1cm; cân trọng lượng cơ thể bằng cân TANITA có độ chính xác 0,1kg. Tính chỉ số khối cơ thể BMI (Body Mass Index) và phân loại TTDD theo ngưỡng của WHO 2000.
– Xét nghiệm hóa sinh máu: Đối tượng được yêu cầu không ăn sáng; lấy 3ml máu tĩnh mạch vào buổi sáng ngày tiến hành điều tra. Máu được cho vào ống nghiệm có chứa chất chống đông Heparin và để ở nhiệt độ phòng 30 phút trước khi ly tâm 3000 vòng/phút trong thời gian 5 phút, mẫu huyết tương được phân tích bằng máy xét nghiệm sinh hóa máu của hãng Chemwell 2910.
2.5. Xử lý số liệu: Nhập số liệu bằng phần mềm EPIDATA 3.1. Xử lý số liệu bằng phần mềm STATA-MP 14.0
III. KẾT QUẢ
3.1. Đặc điểm của đối tượng nghiên cứu: Tổng số 315 đối tượng đã được nghiên cứu, trong đó có 265 nam (84,1%), 50 nữ (15,9%). Nhóm tuổi ≤ 45 tuổi là 95 người (30,0%); nhóm 46 – 50 tuổi là 55 người (17,0%); nhóm 51 – 55 là 72 người (23,0% và nhóm 56 – 60 tuổi là 93 người (30,0%).

Bảng 3.1: Giá trị trung bình về cân nặng, chiều cao, vòng eo, vòng mông

Giới n Chiều cao (cm) Cân nặng (kg) Vòng eo (cm) Vòng mông (cm)
Nam 265 164,7 ± 5,2 68,2 ± 7,8 82,7 ± 2,7 96,3 ± 3,2
Nữ 50 155,7 ± 5,3 57,8 ± 6,8 77,4 ± 2,4 96,1 ± 1,8

Kết quả cho thấy chiều cao trung bình của nam là 164,7 ± 5,2 (cm), của nữ là 155,7 ± 5,3 (cm). Cân nặng trung bình của nam là 68,2 ± 7,8 (kg), của nữ là 57,8 ± 6,8 (kg).
Bảng 3.2: Tình trạng dinh dưỡng của đối tượng nghiên cứu (BMI ≥25,0).

 

Giới

Tình trạng dinh dưỡng P

χ2

TCBP

(n=147)

Không TCBP

(n=168)

Chung

(n=315)

Nam n 129 136 265  

 

0,0669

% 48,7 51,3 84,1
Nữ n 18 32 50
% 36,0 64,0 15,9
Chung n 147 168 315
% 47,0 53,0 100

Bảng trên cho thấy tỷ lệ thừa cân, béo phì chung của đối tượng nghiên cứu là 47,0%, tỷ lệ không thừa cân béo phì là 53,0%; tỷ lệ thừa cân béo phì ở nam là 48,7% cao hơn so với ở nữ là 36,0%, tuy nhiên sự khác biệt này chưa thấy có ý nghĩa thống kê (p>0,05).
Bảng 3.3: Chỉ số hóa sinh máu theo TTDD

 

Chỉ số xét ngiệm

Tình trạng dinh dưỡng p

(Mann-Whitney)

Không TCBP

(n=168)

TCBP

(n=147)

Chung

(n=315)

Glucose (mmol/L) 5,1 ± 1,3 5,5 ± 1,5 5,3 ± 1,4 0,0000
HbA1c (%) 5,5 ± 1,0 5,4 ± 0,9 5,5 ± 1,0 0,3990
Ure (mmol/L) 5,4 ± 1,3 5,7 ± 1,3 5,6 ± 1,3 0,0608
Creatinin (µmol/L) 83,6 ± 17,0 89,8 ± 36,3 86,5 ± 27,9 0,0491
AST(GOT) (U/L-37o) 29,8 ± 10,9 30,9 ± 10,6 30,3 ± 10,7 0,2777
ALT(GPT) (U/L-37o) 30,6 ± 15,4 36,6 ± 16,4 33,4 ± 16,1 0,0002
GGT (U/L-37o) 66,6 ± 74,2 95,4 ± 108,6 80,1 ± 92,8 0,0001
Cholesterol (mmol/L) 5,0 ± 1,0 5,1 ± 1,1 5,1 ± 1,1 0,2304
Triglycerid (mmol/L) 2,4 ± 2,2 3,2 ± 2,5 2,8 ± 2,3 0,0001
HDL-cho (mmol/L) 1,2 ± 0,4 1,1 ± 0,3 1,2 ± 0,4 0,0727
Albumin (g/l) 43,4 ± 4,0 43,9 ± 3,3 43,6 ± 3,7 0,2040
Acid uric (µmol/L) 395,1 ± 90,6 422,4 ± 91,1 407,8 ± 91,7 0,0050
Protein TP (g/) 73,9 ± 5,5 74,3 ± 6,9 74,1 ± 6,2 0,5746

Chỉ số Glucose máu trung bình chung của đối tượng nghiên cứu là 5,3 ± 1,4 mmol/L, trong đó ở nhóm TCBP là 5,5 ± 1,5 mmol/L cao hơn so với nhóm không TCBP là 5,1 ± 1,3 mmol/L (khác biệt có ý nghĩa thống kê p<0,001). Chỉ số Creatinin máu trung bình chung là 86,5 ± 27,9 µmol/L, trong đó ở nhóm TCBP là 89,8 ± 36,3 µmol/L cao hơn ở nhóm không TCBP là 83,6 ± 17,0 µmol/L (khác biệt có ý nghĩa thống kê p<0,05). Chỉ số ALT (GPT) máu trung bình chung là 33,4 ± 16,1 U/L-37o trong đó ở nhóm TCBP là 36,6 ± 16,4 U/L-37o cao hơn ở nhóm không TCBP là 30,6 ± 15,4 U/L-37o (khác biệt có ý nghĩa thống kê p<0,001). Chỉ số GGT máu trung bình là 80,1 ± 92,8 U/L-37o trong đó ở nhóm TCBP là 95,4 ± 108,6 U/L-37o cao hơn ở nhóm không TCBP là 66,6 ± 74,2 U/L-37o (khác biệt có ý nghĩa thống kê p<0,001). Chỉ số Triglycerid máu trung bình là 2,8 ± 2,3 mmol/L trong đó ở nhóm TCBP là 3,2 ± 2,5 mmol/L cao hơn ở nhóm không TCBP là 2,4 ± 2,2 mmol/L (khác biệt có ý nghĩa thống kê p<0,001). Chỉ số Acid uric máu trung bình là 407,8 ± 91,7 µmol/L trong đó ở nhóm TCBP là 422,4 ± 91,1 µmol/L cao hơn ở nhóm không TCBP là 395,1 ± 90,6 µmol/L (khác biệt có ý nghĩa thống kê p<0,01). Các chỉ số HbA1c, ure, GOT, cholesterol, HDL – C, albumin, protein TP ở nhóm TCBP có xu hướng cao hơn nhóm không TCBP, tuy nhiên chưa thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).
IV. BÀN LUẬN
Giới: Nghiên cứu được thực hiện trên 315 đối tượng; trong đó tỷ lệ nam cao hơn nữ (84,1% và 15,9%; tương ứng); tương tự như kết quả của Vũ Kim Anh nghiên cứu trên 683 cán bộ chủ chốt hưu trí của thành phố Hà Nội qua khám sức khỏe định kỳ năm 2015 là nam 83%, nữ 17% [9]; cũng tương tự với kết quả nghiên cứu của Hồ Văn Bình và cộng sự trên 390 cán bộ trung – cao cấp đến khám khám sức khỏe hoặc điều trị tại Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe tỉnh Bình Dương năm 2012 là nam 83,3% và nữ 16,7% [10].
Tình trạng dinh dưỡng: Kết quả nghiên cứu cho thấy chiều cao trung bình của nam là 164,7 ± 5,2 (cm), của nữ là 155,7 ± 5,3 (cm). Cân nặng trung bình của nam là 68,2 ± 7,8 (kg), của nữ là 57,8 ± 6,8 (kg); tỷ lệ TCBP chung là 47,0%; ở nữ (36,0%) thấp hơn so với nam giới (48,7%) cao hơn nhiều so với một số kết quả của các tác giả khác như Nguyễn Thị Thanh (2015) nghiên cứu trên 511 cán bộ công chức của Trường Đại học Y Hà Nội tỷ lệ thừa cân béo phì (BMI≥25.0) chung chỉ là 14,9% (nam 24,2%; nữ 9,5%); Viện Dinh dưỡng (2011) điều tra thừa cân béo phì và một số yếu tố liên quan ở người Việt Nam 25- 64 tuổi tỷ lệ thừa cân chung chỉ là 6,6% (nam nam là 5,3%, nữ là 8,0% [7][11]; Trần Sinh Vương và cs (2010) nghiên cứu trên 8780 người (3728 nam và 5052 nữ) tuổi trên 16 thuộc 4 quận, huyện Hà Nội cho thấy ở nam tỷ lệ tỷ lệ nam thừa cân là 20,3%; nữ thừa cân là 18,0% [12].
Chỉ số hóa sinh máu: Chỉ số Glucose máu lúc đói trung bình chung của đối tượng nghiên cứu là 5,3 ± 1,4 mmol/l, trong đó ở nhóm thừa cân béo phì là 5,5 ± 1,5 mmol/l cao hơn so với nhóm không thừa cân béo phì là 5,1 ± 1,3 mmol/l cao hơn so với nghiên cứu STEPS (2015) trên lứa tuổi 18-69 là 4,7mmol/l. Chỉ số Cholesterol máu trung bình chung của đối tượng nghiên cứu là 5,1 ± 1,1mmol/l trong đó ở nhóm thừa cân béo phì là 5,1 ± 1,1mmol/l cao hơn ở nhóm không thừa cân béo phì là 5,0 ± 1,0 mmol/l cũng cao hơn so với nghiên cứu STEPS (2015), trên lứa tuổi 18-69 là 4,5 mmol/l. HDL-C trung bình của cán bộ trong nghiên cứu là 1,2 ± 0,4 mmol/l, cao hơn so với nghiên cứu STEPS (2015) với HDL-C trung bình là 1,0 mmol/l [13]. Chỉ số triglycerid và Acid uric ở nhóm TCBP cũng cao hơn rõ rệt (p<0,001 và p<0,01) so với nhóm không TCBP.
V. KẾT LUẬN
Tỷ lệ thừa cân béo phì chung của đối tượng nghiên cứu còn khá cao (47,0%) trong đó ở nữ (36,0%) thấp hơn so với nam giới (48,7%); chiều cao trung bình của nam là 164,7 ± 5,2 (cm), của nữ là 155,7 ± 5,3 (cm). Cân nặng trung bình của nam là 68,2 ± 7,8 (kg), của nữ là 57,8 ± 6,8 (kg). Các chỉ số hóa sinh của nhóm TCBP cao hơn so với nhóm không TCBP; đặc biệt các chỉ số Glucose máu lúc đói, Triglycerid và Acid uric cao hơn rõ rệt (có ý nghĩa thống kê p<0,0001; p<0,001 và p<0,01; tương ứng).

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Daniels SR, Arnett DK, Eckel RH, Gidding SS, Hayman LL, Kumanyika S, Robinson TN, Scott BJ, St Jeor S, Williams CL (2005), “Overweight in children and adolescents: pathophysiology, consequences, prevention, and treatment”, Circulation, 111: pp. 1999 – 2012
2. Dietz WH (1998), “Health consequences of obesity in youth: childhood
predictors of adult disease”, Pediatrics, 101: pp. 518 – 525
3. WHO (2002), Obesity: preventing and managing the global epidemic. Report of WHO Conclutation, Geneva: 56- 65.
4. WHO (2015), “Obesity and overweight”, Available at <http://www.who.int/entity/mediacentre/factsheets/fs311/en/>access January 2015.
5. Viện Dinh dưỡng (2003), Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2000, Nhà xuất
bản Y học. Tr 1 – 60.
6. Lwanga S.K Lemeshow S, (1991), Sample size determination in health studies, WHO, pp. 7-36.
7. Nguyễn Thị Thanh (2015), Tình trạng dinh dưỡng và một số yếu tố liên quan của cán bộ viên chức Trường Đại học Y Hà Nội trong đợt khám sức khỏe định kỳ năm 2014; Khóa luận tốt nghiệp bác sỹ y khoa 2009-2015. Tr.20-25.
8. Obesity: Preventing and managing the global epidemic: Report of a WHO consultation (WHO technical report series; 894).
9. Vũ Kim anh và cộng sự (2015), “Nhận xét tình hình bệnh tật của cán bộ chủ chốt đã nghỉ hưu thành phố Hà Nội qua kiểm tra sức khỏe định kỳ trong hai năm (2011 – 2012)” Kỷ yếu các công trình nghiên cứu khoa học (2010 – 2015), Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, tr 23
10. Hồ Văn Bình, Phan Ánh Tuyến và cộng sự (2012), “Lượng giá nguy cơ tim mạch ở cán bộ trung – cao cấp tỉnh Bình Dương” Kỷ yếu các công trình nghiên cứu khoa học (2010 – 2015), Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, tr 161
11. Viện dinh dưỡng (07/9/2011), “Kết quả điều tra thừa cân béo phì và một số yếu tố liên quan ở người Việt Nam 25- 64 tuổi”, http://viendinhduong.vn
12. Trần Sinh Vương, Nguyễn Đức Hinh, Vũ Thành Trung (2012), Đánh giá về mặt nhân trắc tình trạng dinh dưỡng người trưởng thành sống ở Hà Nội 2010, Tạp chí nghiên cứu y học 78 (1), tr 82.
13. Ministry of Health (2015). National survey on the risk factors of non communicable disease (STEPS) Viet Nam.

http://yhoccongdong.vn/uploads/files/TAP_CHI_SO_59_THANG_11_12_NAM_2020.pdf